CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG CÓ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THEO TIÊU CHUẨN ISO (CHƯƠNG TRÌNH PSE)

 

 

 Thông tin truyền thông tại nhà trường

 

1.  Tại sao nhà trường/ngành thực hiện nhiệm vụ tổ chức chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) cho học sinh?

Thực hiện Quyết định 2080 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án 625 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu, trong đó có yêu cầu các địa phương phải đổi mới phương thức đào tạo, ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế.

Chất lượng đào tạo tiếng Anh của Vĩnh Phúc hiện đang ở top 10 của cả nước. Đây là minh chứng nỗ lực, tâm sức và sự quyết tâm của toàn ngành, của cả xã hội trong nhiều năm qua.

Nối tiếp thành tựu trên và đáp ứng sự đòi hỏi của thị trường lao động trong tương lai, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một trong những kỹ năng quan trọng và phải đáp ứng được tiêu chuẩn sát hạch quốc tế thông qua việc ban hành Đề án 625. Để làm được điều này, Đề án 625 đã đưa chương trình Tiếng Anh tăng cường được quản lý, giám sát bởi ISO để toàn ngành từng bước hướng tới bổ trợ năng lực cho học sinh các cấp theo phương thức đào tạo có chính sách cam kết chất lượng đầu ra cho học sinh theo chuẩn quốc tế (theo chuẩn Cambridge hoặc IELTS - những chứng chỉ cần có của người lao động trong tương lai). Đây cũng là xu thế đào tạo mà các thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tại các trường quốc tế, tư thục chất lượng cao đang triển khai.

Chương trình TATC là hình thức nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình tiếng Anh chuyên đề và được thực hiện theo lộ trình hướng dẫn của ngành GDĐT. Chương trình hướng tới phương thức cam kết chất lượng đầu ra theo chuẩn quốc tế cho học sinh.

Ngành GD đồng hành cùng nhà trường, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực, và cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh để quyết tâm tạo nên bước đột phá mang tính hiệu quả, tạo uy tín về chất lượng đào tạo tiếng Anh vì tương lai của các thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chương trình cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ giáo viên và học sinh đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới trong công tác thi cử đối với môn ngoại ngữ (tiếng Anh) theo mục tiêu của Đề án 625, cũng như nhiệm vụ của thời kỳ chuyển đổi số-cách mạng 4.0.

 

2.  Điểm khác biệt của chương trình TATC?

Đây là chương trình đòi hỏi tính trách nhiệm cao, phương châm hành động: rõ người, rõ việc và chuyên nghiệp trong tổ chức triển khai. Sự khác biệt cụ thể như sau:

+ Giảm quy mô lớp học trong các giờ học trên lớp bằng ½ so với lớp học thông thường để giáo viên có điều kiện trợ giúp cho học sinh.

+ Chương trình TATC sử dụng giáo trình chuẩn quốc tế (có thước đo năng lực khung đào tạo đạt chuẩn Châu Âu).

+ Áp dụng phương pháp dạy-học hiện đại & hiệu quả (Blended Learning), mô hình quản lý chất lượng đào tạo (có bản quyền) để có cơ sở đảm bảo chất lượng đầu ra theo chuẩn quốc tế và kiểm soát theo ISO.

+ Quản lý theo ISO 9001:2015 để kiểm tra, giám sát được các công đoạn thực hiện.

 + Năm học 2021-2022, ưu tiên áp dụng thí điểm đối với khối 6 theo hình thức huy động các nguồn lực xã hội hoá.

3.  Việc tổ chức sĩ số lớp tiêu chuẩn: 20 học sinh/lớp liệu có khả thi tại các giờ học ngoại khoá của nhà trường?

Ngành hướng dẫn các nhà trường cách thức tổ chức, phân chia, xếp lớpthời khóa biểu theo quy trình ISO. Căn cứ số lượng học sinh tham gia, nhà trường phối hợp các tổ bộ môn khác để sắp xếp các ca học hài hoà, không xung đột lịch học giữa các môn và không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của trường.

Trong quá trình triển khai, có vướng mắc, nhà trường cùng với các cấp quản lý sẽ cùng trao đổi để có giải pháp tối ưu, khoa học.

Việc giảm sĩ số lớp để giáo viên có điều kiện hỗ trợ sát sao học lực của từng học sinh tại các giờ thực hành tại lớp và đây là mô hình phù hợp chuẩn đào tạo kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

 

4.  Việc phân loại học sinh để sắp xếp lớp có bắt buộc không?

Theo phương pháp học phối kết hợp trực tiếp và trực tuyến, bộ phận phụ trách tư vấn chuyên môn (Đơn vị TGE, Viện Nghiên cứu GD&CN, các chuyên gia đào tạo tiếng Anh…) sẽ có chỉ đạo chuyên môn và hướng dẫn giáo viên cách thức điều phối lớp học khi trình độ học sinh chênh lệch và có cách kênh hỗ trợ khác nhau (cho học sinh có học lực chưa tốt và học sinh giỏi) thông qua tư vấn, giảng đệm từ hoạt động ORDS (trong đó có hoạt động đào tạo từ xa). Vì vậy, nhà trường không cần phân loại năng lực học sinh ở khối 6.

 

5.  Chính sách cam kết được thực hiện như thế nào?

Theo Mô hình PSE, kết quả đào tạo sẽ được chịu trách nhiệm từ tất cả các thành phần tham gia (theo phân cấp trách nhiệm gồm: Sở GDĐT, Phòng GDĐT, nhà trường, giáo viên, các đơn vị tư vấn chuyên môn (TGE, Viện), học sinh/phụ huynh) thông qua hệ thống giám sát ISO (được tập huấn từ ngày 22/9/2021) và dựa trên tiêu chí: lấy chất lượng đầu ra đối với học sinh làm tiêu chuẩn để tổ chức quản lý và điều phối các hoạt động chuyên môn.

* Đối với học sinh, điều kiện đạt cũng được xác định rõ ràng:

Điểm sao tiến bộ toàn bộ toàn khoá đạt ít nhất: 21/30 sao; điểm trung bình cộng điểm sao chuyên cần toàn khoá đạt ít nhất 7/10 sao (chi tiết sẽ được trình bày tại đợt tập huấn).

* Mô hình PSE áp dụng phương pháp cung cấp kiến thức “dôi” ( Nghĩa là học sinh được đào tạo đến ngưỡng giữa cấp độ B1 để đảm bảo đầu ra tối thiểu mức A2-KET và áp dụng các kỹ thuật quản lý đặc thù khác).

Trong toàn bộ quá trình giảng dạy, việc học tập của từng học học sinh được theo dõi chặt chẽ ở các tiêu chí: chuyên cần (trên lớp và luyện học online), ngữ âm và khả năng tương tác. Mức thang đánh giá được  báo cáo cho phụ huynh hàng tuần.

* Việc kiểm soát chất lượng sẽ được thống kê ở mỗi kỳ học (sau 18 tuần), và nếu có những yếu tố bất cập, đội ngũ chuyên gia sẽ nhanh chóng phân tích để kịp thời đưa ra các hướng dẫn trong quản lý/chỉ đạo chuyên môn phù hợp cho học sinh.

 

6.  Làm thế nào để nhà trường bố trí nhân sự phục vụ hậu cần tổ chức lớp học cho nhà trường?

    Tất cả công tác phục vụ, các vị trí phụ trách thực hiện theo quy trình và mô tả công việc cụ thể. Và được hướng dẫn qua các chương trình tập huấn ISO.

 

7.  Cách thức thực hiện truyền thông:

 

Nhà trường thực hiện theo hướng dẫn truyền thông của Ban chỉ đạo tại kế hoạch truyền thông. Cụ thể:

+ Trong trường hợp nhà trường chưa có điều kiện tổ chức họp phụ huynh:

* Sở GDĐT sử dụng các clip mà Đài PT&TH tỉnh Vĩnh Phúc đưa thông tin về Đề án 625. Nhà trường hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm khối 6 và giáo viên tiếng Anh khối 6  chuyển clip và mời phụ huynh nghe (đây được xem là phát ngôn chính thức của cơ quan truyền thông tỉnh).

* Nhà trường gửi cho phụ huynh qua zalo, website, fanpage nhận xét của các thầy cô uy tín, đại diện đánh giá về phương pháp và ích lợi của chương trình TATC.

* Sử dụng mẫu đăng ký khoá học gửi cho phụ huynh thông qua học sinh (kèm theo tờ thông tin dành phụ huynh mà Chương trình TATC đã gửi cho nhà trường thông qua Phòng GDĐT). Khi gửi tờ thông tin cho học sinh, giáo viên nói rõ quyền lợi mà học sinh đạt được từ Chương trình này (được đảm bảo năng lực đầu ra và được học tập, được hỗ trợ nhiều kỹ năng khác).

* Để thuận lợi cho công tác triển khai, lãnh đạo nhà trường có thể chuyển Tờ thông tin dành cho lãnh đạo nhà trường này để phụ huynh hiểu hơn cách thức triển khai của nhà trường một cách tường tận và minh bạch.

+ Trường hợp nhà trường tổ chức họp phụ huynh:

Phụ huynh được gửi đầy đủ các tờ tài liệu nêu trên. Đồng thời thông qua cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm khối 6 sẽ giải thích những vấn đề mà phụ huynh chưa thông tỏ.

Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tiếng Anh tìm hiểu kỹ đề án 625, các kế hoạch, hướng dẫn của ngành.

Trường hợp giáo viên cần sự trợ giúp thông tin để phục vụ họp phụ huynh, có thể email về: pse.vinhphuc@gmail.com đặt câu hỏi (để lại thông tin về email, số điện thoại). Chương trình có trách nhiệm trả lời giáo viên tất cả các vấn đề có liên quan.

 

8.  Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên ngoại ngữ và cán bộ viên chức trong trường tham gia hoạt động hỗ trợ công tác truyền thông cùng lãnh đạo nhà trường như thế nào?

Công tác truyền thông là nhiệm vụ của tập thể, cán bộ, viên chức toàn trường và theo sự hướng dẫn của lãnh đạo nhà trường.

 

9.  Trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh tham gia?

Học sinh là trung tâm của hoạt động đào tạo. Tất cả công tác chuẩn bị và hỗ trợ đều hướng tới trợ giúp học sinh sao cho công tác đào tạo được hỗ trợ nhiều nhất, thuận tiện nhất với trách nhiệm của tập thể, không chỉ riêng nhà trường mà là cả hệ thống quản lý của ngành.

 

10.   Nhà trường có trách nhiệm bắt buộc thực hiện Chương trình không?

Việc triển khai Chương trình là trách nhiệm của nhà trường (Theo Phụ lục 1, Đề án 625 của Tỉnh).

 

11.   Nguyên tắc thu chi của chương trình?

Nguyên tắc thu chi dựa trên cơ sở lấy thu đủ bù chi và ở mức hỗ trợ trả thù lao cho các bên tham gia tổ chức hoạt động đào tạo. Đây là chương trình đào tạo có tính trách nhiệm cao, học theo giáo trình có thước đo chuẩn quốc tế. Việc học tập được theo dõi, giám sát trên mọi thời gian học tập của học sinh, có hỗ trợ đào tạo từ xa (đối với trường hợp học sinh có nhu cầu) và được thực hiện theo hướng cam kết chất lượng đầu ra theo chuẩn quốc tế. Các đầu mục công việc được quản lý và giám sát chất lượng.

 

12.       Mức thù lao được xác định trên cơ sở nào?

Mức thù lao được xác định trên các đầu việc: chi trả cho các hoạt động tổ chức lớp học đào tạo tại trường và chi trả cho hoạt động quản lý giám sát, hỗ trợ cho 24 ngày luyện-học online (giáo viên hỗ trợ có trình độ tương đương IELTS tối thiểu: 6.5).

Tổng chi phí dự kiến (do Viện – đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn và quản lý chất lượng chương trình PSE) đưa ra mức thù lao tham chiếu tối thiểu: 199.500 VNĐ/tháng (cho 36 tiết học có hướng dẫn-giám sát/tháng, tương đương 5.500 VNĐ/tiết, chi phí chi trả trọn gói/tháng). Giờ luyện học có kênh hỗ trợ trực tuyến và qua tổng đài, thời gian phục vụ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, khung giờ từ 16h-21h.

Các nhà trường có thể điều chỉnh mức trên (thoả thuận với phụ huynh, nếu có) để có thể tổ chức dịch vụ một cách chuyên nghiệp và chất lượng theo tiêu chí của ISO 9001:2015-QACS-QMS-VIE-IO-1686.